Kỹ thuật chụp ảnh: Chụp ảnh pháo hoa.
Dưới đây là một số gợi ý của trang Digital Photography School.
1. Sử dụng chân máy
Để thời gian cửa trập đủ lâu để ghi lại chuyển động của pháo sáng. Ảnh: Flickr. |
Để chụp pháo hoa, bạn sẽ phải để thời gian cửa trập đủ lâu để có thể ghi lại được chuyển động của ánh pháo sáng, vì thế sử dụng chân máy là biện pháp hữu hiệu nhất để giữ cho máy ảnh kỹ thuật số không bị rung. Nếu không kịp chuẩn bị chân máy, hãy cố gắng khắc phục bằng cách đứng dạng chân và dựa lưng vào một điểm tựa nào đó (tường hoặc cây…), hoặc kê máy ảnh kỹ thuật số lên một chỗ nào phù hợp nhất tại địa điểm chụp (như gờ tường).
2. Sử dụng dây chụp ảnh
Để đảm bảo chống rung tuyệt đối, nên đầu tư thêm một dây bấm chụp ảnh thay vì bấm trực tiếp lên nút chụp. Tùy từng đời máy ảnh kỹ thuật số mà bạn có thể mua dây phù hợp ở các cửa hàng bán linh kiện hoặc điều khiển không dây.
3. Định sẵn khung hình
Một trong các phần khó nhất của chụp ảnh pháo hoa đó là phải xác định hướng máy ảnh kỹ thuật số sẽ chụp vào khoảng chỗ nào. Bạn sẽ phải xác định trước, bởi khi pháo đã bắn lên thì sẽ không còn kịp để căn chỉnh nữa.
Dưới đây là một số cách thức định trước khung hình.
Quan sát địa điểm trước: Phải luôn có kế hoạch và nên đến địa điểm chụp để thăm dò trước vị trí. Hãy nghĩ xem hậu cảnh và tiền cảnh của khung hình sẽ là gì, làm sao để tránh bị đầu người lố nhố trong khung hình. Hãy ghi nhớ địa điểm sẽ bắn pháo, địa điểm sẽ đứng được, và nếu có thể hãy chụp thử vài khung hình để xem các vấn đề cảnh nền sẽ ra sao, sử dụng ống kính tiêu cự nào là phù hợp…
Xem đường chân trời: Một điều cũng nên lưu tâm khi chụp pháo hoa để bố cục ngang với đường chân trời thế nào cho hợp lý. Nếu bạn chĩa thẳng lên trời thì không có gì phải bàn, nhưng nếu ở vị trí đủ xa và rộng để có thể thể hiện một quang cảnh làm nền phía sau pháo hoa như ảnh trên thì đây là yếu tố cũng ảnh hưởng không ít tới vẻ đẹp của một cảnh pháo hoa.
Chụp dọc hay ngang: Đối với chụp pháo hoa thì thực ra chụp dọc hay ngang đều được, nhưng do đặc trưng của pháo hoa vốn được bắn thẳng lên trời và rơi xuống từ từ nên chụp ảnh dọc thường thu được nhiều quang cảnh pháo sáng rực rỡ hơn. Chụp ảnh ngang chỉ hữu dụng khi bạn muốn lồng thêm cả khung cảnh xung quanh với ống kính góc rộng.
Ghi nhớ khung hình: Đảm bảo bạn đã ghi nhớ trước những khung hình cần chụp. Khi đến thời điểm bắn pháo hoa, không cần lúc nào cũng phải nhìn qua ống ngắm, nên nhìn trực tiếp bởi chỉ nhìn trực tiếp bạn mới có thể thấy và cảm nhận được thời điểm pháo hoa sẽ nổ và tính toán khoảng thời gian mỗi quả pháo sáng rơi dài thành vệt xuống bao lâu, từ đó bạn chỉ việc hướng ống kính về phía khung hình đã định và bấm máy.
Chụp đúng vào thời điểm đẹp nhất. Ảnh: Flickr. |
4. Sử dụng tiêu cự nào?
Một trong các vấn đề khó khăn nhất của chụp ảnh pháo hoa đó là chụp đúng phần đẹp nhất vào đúng thời điểm nhất. Điều này đặc biệt khó đối với các ống kính tele bởi phần khung hình sẽ còn rất hẹp. Vì thế, chụp bằng tiêu cự góc rộng có vẻ sẽ dễ dàng hơn. Tốt nhất là nên có một ống zoom dài, vì đôi lúc việc chụp ở một tiêu cự hẹp như ảnh trên cũng tạo một hiệu ứng màu sắc và đường nét khá đẹp mắt. Nếu không có ống tele đủ dài, bạn vẫn có thể đạt hiệu ứng tương tự bằng cách chụp toàn cảnh rồi cắt bớt lại.
5. Độ mở
Rất nhiều người nghĩ là cần phải có các ống kính "nhanh" mới có thể bắt được pháo hoa, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Ánh sáng từ các chùm pháo sáng khá mạnh, vì thế nên giảm độ mở xuống mức trung bình đến thật nhỏ, khoảng từ f/8 đến f/16 là hợp lý.
6. Tốc độ cửa trập
Một thông số không kém phần quan trọng bên cạnh độ mở, đó là tốc độ cửa trập. Pháo hoa là một cảnh chuyển động, và một bức ảnh đẹp là bức ảnh ghi lại được chuyển động đó. Vì thế, thời gian cửa trập phải dài vừa đủ. Một trong những kỹ thuật cơ bản, đó là sử dụng tính năng "Bulb" (hoặc B) – tự định thời gian của máy ảnh. Ở chế độ này, bạn bấm nút chụp ảnh ngay khi pháo hoa sắp sửa nổ, nhớ giữ nguyên tay bấm vào nút chụp cho đến khi pháo nổ vào rơi thành từng dải xuống, lúc đấy hãy nhả nút chụp cho cửa trập đóng lại. Thời gian này thường kéo dài khoảng vài giây. Bạn cũng có thể thử nghiệm với từng mức thời gian định sẵn để xem kết quả, nhưng thời gian tự định sẽ giúp bạn được chủ động hơn.
Lưu ý không nên để thời gian cửa trập mở quá dài. Một số người vẫn thường để thời gian dài để có thể bắt được nhiều chùm pháo hoa một lúc. Nhưng đôi khi bức đẹp nhất lại là bức chỉ đơn giản có một chùm.
7. ISO
Cố gắng nên chụp ở mức ISO thấp để cho ảnh nền được màu đồng nhất mà không bị hạt. Mức ISO ở 100 là hợp lý.
Không nên chụp cùng đèn flash. Ảnh: Flickr. |
8. Không dùng đèn
Không nên chụp cùng đèn flash, bởi đèn sẽ không mang lại tác dụng gì đặc biệt trong trường hợp này. Đèn thường chỉ sáng đến một khoảng cách nhất định, trong khi pháo hoa lại ở khoảng rất xa. Việc dùng đèn đôi lúc lại làm nổi lên lớp sương khói do pháo sáng gây ra và vì thế khiến trọng tâm bức ảnh trở nên loãng.
9. Chụp ở chế độ Manual
Chế độ tự động lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu như chụp pháo hoa thường không đáng tin cậy. Nên dùng chế độ chỉnh tay, kể cả tốc độ cửa trập, độ mở và lấy nét. Một khi bạn đã chỉnh được khoảng nét, bạn không cần phải thay đổi nữa vì nói chung các chùm pháo hoa sẽ chỉ xê dịch trong khoảng này, nhất là bạn lại còn để ở chế độ độ mở hẹp (khoảng nét dài) nữa.
10. Thử nghiệm và kiểm tra kết quả
Thi thoảng trong khi chụp pháo hoa, bạn nên kiểm tra lại những bức ảnh đã chụp. Thường sau khi chụp vài bức đầu tiên, kiểm tra nhanh xem chúng có lỗi gì không trước khi chụp tiếp loạt thứ hai. Nhưng lưu ý đừng vì thế mà kiểu nào cũng kiểm tra lại, bạn sẽ mất đi cơ hội chụp những bức ảnh đẹp.
Nên thử nghiệm những kiểu chụp khác nhau thay vì chỉ chĩa lên trời và chụp mỗi pháo hoa. Bạn có thể chụp toàn cảnh pháo hoa với nền là thành phố, hoặc chụp kèm thêm những nhóm người đang ngắm, hay chụp kiểu đổ bóng (silhouette)…
Theo tạp chí Digital Photography School, hầu hết các bức ảnh pháo hoa được cho là đẹp thường kèm thêm một số yếu tố nào đó bên cạnh những chùm pháo hoa rực rỡ. Yếu tố này có thể bất kỳ, là người, tòa nhà, quang cảnh hay cả một thành phố…
Nguyễn Hà