Với nhiếp ảnh không có thời tiết xấu, chỉ là các điều kiện ánh sáng khác nhau làm nên những bức ảnh khác nhau.
Kể cả khi thời tiết không thuận lợi, bạn cũng không nên ngồi ở nhà. Hãy đi ra ngoài và khám phá khung cảnh bị ảnh hưởng ra sao bởi tiết trời này. Nếu không chụp được những bức ảnh phong ảnh lớn, hãy tập trung tìm kiếm những tiểu cảnh nhỏ, đôi khi bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì vẻ đẹp nó mang lại.
Tốt nhất hãy mang một ống macro để có thể chụp cận cảnh, hoặc ít nhất là một ống tele để có thể tập trung vào một đối tượng hẹp và xóa được phông bầu trời u ám. Đừng quên chân máy để hạn chế chống rung khi chụp những bức ảnh phong cảnh kiểu này.
Nếu bạn chỉ thích chụp phong cảnh kiểu nhấn mạnh vào tiểu tiết như chiếc lá bên dòng nước, thì chỉ cần một ống tele là đủ. Đối tượng đôi khi chỉ là những ngọn cỏ lóng lánh sương, nhưng nếu được chụp với một góc hợp lý, sẽ cho ra những bức ảnh đặc tả với tông màu rất ấn tượng. Nhớ để độ mở càng lớn càng tốt.
Còn đối với những chuyên gia nhiếp ảnh chuyên macro, thế giới thu nhỏ của họ có thể là bất cứ đâu, lá cây, ngọn có, hòn đá, bông hoa… Do phần lớn nằm gần mặt đất nên các đối tượng cho thể loại này không cần phải có một ngày đẹp trời để thể hiện bầu trời trong xanh với những đám mây trắng muốt. Trời hơi u ám sẽ thuận lợi hơn bởi ánh sáng đã được dịu đi rất nhiều, không quá gắt. Đối tượng có thể là những quả bong bóng dưới mặt nước, một mảng màu của vỏ cây hay lá rụng… Tùy từng kiểu đặc tả mà bạn sẽ dùng độ mở lớn nhất để xóa nhòa phông như kiểu chụp macro hay khép độ mở hẹp nhất để làm nét toàn bộ mảng màu. Nên sử dụng chế độ lấy nét tay để đảm bảo chính xác, và nếu máy ảnh của bạn có chế độ LiveView, hãy tận dụng nó. Hướng tới các đối thượng không có hậu cảnh.
Không bao giờ vì trời không nắng mà phải ở nhà. Một bí quyết đơn giản để chụp ngày u ám, đó là hướng tới các đối tượng không có hậu cảnh là bầu trời.
Nguyễn Hà