Máy ảnh kỹ thuật số: Ống kính máy ảnh cho dân du lịch.
Ống kính siêu zoom của máy ảnh kỹ thuật số hiện đại giúp người dùng thoải mái chụp cỏ, cây, hoa, lá, con người, cũng như phong cảnh, đời thường.
|
Ống kính với dải zoom đa dạng giúp thoải mái tác nghiệp trên đường đi du lịch. Ảnh: Goaway. |
Nếu bạn là người quan tâm tới chất lượng ảnh và không muốn bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc đẹp nào, những chiếc máy ảnh kỹ thuật số DSLR phức tạp luôn là sự lựa chọn số một. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để mang theo thân máy và dàn ống kính nặng nề khi lang thang trên những con phố đông đúc hay trong các chuyến hành trình xa... Nhiều nhà sản xuất đã cố gắng hạn chế nhược điểm bằng cách cho ra đời thế hệ ống kính siêu zoom hay còn gọi là ống kính "tất cả trong một". Sở hữu dải tiêu cự đa dụng (10x và thậm chí hơn thế), ống siêu zoom giúp người dùng thoải mái tác nghiệp trên vô số đối tượng khác nhau như phong cảnh, đời thường, động vật, hoa cỏ, con người... Nhiều ống kính đời mới còn được trang bị các công nghệ đặc biệt, giúp tăng tốc độ làm việc, loại bỏ quang sai hay cho phép tác nghiệp trong những điều kiện ngặt nghèo. Do có ưu thế về mức giá và độ gọn nhẹ, đây cũng là giải pháp thay thế ống kit rất hợp lý dành cho những người mới chơi.
|
Ống siêu zoom rất thích hợp để chụp phong cảnh, đời thường hoặc hoa, cỏ vào ban ngày. Ảnh chụp thử bằng Canon EOS 50D và ống kính Canon EF-S 18-200mm f/3.5-5.6 IS. Ảnh: Dpreview. |
Do những giới hạn của kỹ thuật chế tạo, ống kính siêu zoom luôn có hai khẩu và giá trị khẩu cực đại thường nhỏ so với ống fix một tiêu cự. Tại góc rộng nhất, độ mở chỉ đạt khoảng f/3.5 và thu hẹp lại còn f/5.6 hoặc f/6.3 tại cuối dải zoom. Vì vậy, người dùng khó có thể sử dụng để chụp trong điều kiện thiếu sáng hoặc chụp chân dung cần độ nhấn mạnh cao. Thực tế, ngay cả khi khép khẩu lại tương đối hẹp, hiệu ứng mờ nền vẫn có tác dụng khi đẩy tiêu cự ống kính lên cao (trên 135mm). Tuy nhiên, lúc này người chụp phải di chuyển khá xa. Độ mở nhỏ khiến ảnh thu được có thể bị nhòe do rung tay. Các mảng phông nền được xóa không thật tự nhiên do các vùng màu giao nhau thô cứng và bokeh tương đối xấu.
|
Ống siêu zoom Nikon 18-200mm f/3.5-5.6G ED VR II có tới 16 thành phần thấu kính chia làm 12 nhóm. Ảnh: Nikon. |
Ống siêu zoom có cấu trúc quang học rất phức tạp. Dù được thiết kế tỉ mỉ và chính xác đến đâu đi chăng nữa, loại ống kính này vẫn mắc phải một số lỗi như sắc sai, méo ảnh, đen góc và flare. Những hiện tượng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại vùng rìa ảnh khi thiết lập mở khẩu cực đại tương ứng với góc rộng nhất hoặc hẹp nhất. Độ nét và màu sắc thu được cũng không đồng đều tại các tiêu cự khác nhau. Trong một vài năm trở lại đây, chất lượng ống kính siêu zoom đã được cải thiện đáng kể bằng cách bổ sung thêm vào hệ quang học những thành phần thấu kính đặc biệt (thấu kính phi cầu, thấu kính tán xạ thấp) cũng như nâng cấp công nghệ phủ mặt thấu kính. Ngoài ra, những thế hệ máy ảnh mới còn cung cấp nhiều tính năng chỉnh sửa tại chỗ với độ chính xác cao như sửa lỗi sắc sai, sửa méo ảnh, sửa tối góc... Nhờ vậy, người dùng nghiệp dư vẫn có thể tạm yên tâm về chất lượng quang học mà những ống kính đa dụng đem lại.
Ống siêu zoom có giá thành cao hơn và cũng nặng hơn một số ống zoom tiêu cự ngắn và ống fix.Chẳng hạn, người dùng sẽ phải chi hơn 700 USD cho ống siêu zoom Nikon 18-200mm f/3.5-5.6G VRII. Để đạt được dải tiêu cự tương đương, có thể chọn hai ống zoom giá rẻ khác là Nikon 18-55mm VR và Nikon 55-200mm VR với mức giá tổng cộng chỉ 370 USD, kinh tế hơn rất nhiều so với phương án đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn ống siêu zoom do ưu thế "khó cưỡng" về sự đa dụng và gọn gàng. Bạn thể tác nghiệp với nhiều đối tượng từ gần tới xa mà không tốn công di chuyển, không mất thời gian tháo lắp những ống kính khác nhau và nhất là không phải mang theo balô đựng đồ lỉnh kỉnh. Thêm nữa, ống siêu zoom có chất lượng build tốt hơn nhiều những ống zoom giá rẻ. Giá trị khẩu dù không lớn nhưng khá tươm so với nhu cầu du lịch thông thường và vẫn còn hơn ống kit bán kèm máy. Với dải tiêu cự 18-200mm như trên, ống siêu zoom cung cấp độ mở tăng dần trong khoảng f/3.5 tới 5.6. Khi thay thế bằng hai ống zoom 18-55mm và 55-200mm, người dùng buộc phải chịu độ mở hẹp ngay tại những thiết lập tiêu cự ngắn (chẳng hạn f/5 tại 35mm và f/5.6 tại 55mm riêng đối với ống 18-55mm).
|
Thấu kính tán xạ thấp ED giúp hạn chế hiện tượng sắc sai tại mép những vật thể có độ tương phản cao. Ảnh: Nikon. |
Hiện nay, giá của ống kính siêu zoom đã hạ đi rất nhiều so với trước, trong khi chất lượng lại càng được nâng cao nhờ các công nghệ thừa hưởng từ dòng ống chuyên nghiệp.
Dưới đây là một số công nghệ được "thừa hưởng":
- Cơ chế lấy nét trong (Internal Focusing): Hầu hết ống kính với dải zoom trên 10x hiện nay đều được trang bị công nghệ lấy nét trong nhằm tăng hiệu năng và giảm tiếng ồn khi làm việc. Một cơ cấu đặc biệt (motor điện từ hoặc motor phát sóng siêu âm) sẽ đảm nhiệm việc di chuyển các thành phần quang học nằm bên trong ống kính. Nhờ vậy, miệng ống kính sẽ không xoay và chiều dài ống kính vẫn giữ nguyên. Người dùng có thể thoải mái gắn thêm các loại kính lọc đặc biệt vào phía trước ống mà không sợ bị ảnh hưởng bởi quá trình lấy nét. Ngoài ra, do các thấu kính di chuyển tương đối ít và nhỏ nên thao tác lấy nét khá êm, nhanh và ít phát ra tiếng ồn khó chịu. Công nghệ mới còn giúp giảm khoảng cách lấy nét cực tiểu, nhờ đó, tăng tỉ lệ phóng đại trên những thước chụp cận.
- Công nghệ ổn định ảnh (Stabilization): công nghệ ổn định ảnh quang học trang bị trên ống kính giúp hạn chế hiện tượng nhòe ảnh bằng cách di chuyển các thấu kính đặc biệt để bù trừ những rung lắc của thân máy trong quá trình chụp. Người dùng có thể tăng thời gian phơi sáng lên khoảng 2.5 tới 4 stop mà ảnh vẫn đảm bảo đủ nét. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những ống kính siêu zoom khi làm việc tại tiêu cự dài và khẩu độ nhỏ. Lưu ý rằng, công nghệ ổn định ảnh chỉ có tác dụng hạn chế những rung lắc của thân máy chứ không thể chống nhòe với các vật thể chuyển động nhanh trong khung hình và hoàn toàn không có tác dụng nếu đặt máy lên một tripod vững chắc. Những ống kính được tích hợp ổn định ảnh thường có thêm một số ký tự đặc biệt trong tên gọi như: IS (Canon), VR (Nikon), OS (Sigma), VC (Tamron)...
- Thành phần thấu kính đặc biệt: Những thấu kính ED, LD và SLD có độ tán xạ rất thấp, giúp hạn chế hiện tượng sắc sai tại mép những vật thể có độ tương phản cao trên ảnh. Thấu kính phi cầu có cấu tạo đặc biệt nhằm hướng các tia sáng ở rìa ngoài cùng vào đúng tiêu điểm, từ đó tăng độ sắc nét và tính chính xác của hình ảnh. Ngoài ra, còn có một số công nghệ khác cho phép nhà sản xuất nâng cao chất lượng quang học trên toàn bộ dải tiêu cự đồng thời giảm chiều dài và khối lượng của toàn bộ ống kính.
|
Một dạng motor siêu âm SWM trên các ống kính Nikon. Ảnh: Dpreview. |
- Motor lấy nét siêu êm: Công nghệ mới sử dụng sóng siêu âm chuyển động trong các rãnh xoắn phía trong lòng ống để điều khiển các thành phần thấu kính thực hiện quá trình lấy nét. Do không tích hợp motor điện từ và các bánh răng truyền động nên ống kính có tốc độ đáp ứng rất cao và hầu như không phát ra tiếng ồn.