Máy ảnh kỹ thuật số: Tìm hiểu ISO trên máy ảnh.
Phần lớn máy ảnh kỹ thuật số hiện đều hỗ trợ khá nhiều giá trị ISO, trong đó phổ biến nhất là dải ISO từ 100 đến 800. ISO càng cao, cảm biến càng nhạy với ánh sáng.
Hai ảnh chụp cùng một đối tượng với thiết lập ISO 100 (trái) và ISO 3.200 (phải). ISO càng thấp, ảnh càng đỡ bị nhiễu hạt và có dải tương phản rộng. Ảnh: Digital Photography School. |
Tốc độ phim (Film speed) là thước đo độ nhạy của một tấm phim ảnh với cường độ ánh sáng môi trường. Các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành sử dụng chuẩn ISO để biểu thị độ nhạy phim thay cho chuẩn GOST từng được Liên Xô áp dụng cho các thiết bị quang học của mình trước năm 1987. Ba chuẩn ISO 5800:1987, ISO 6:1993 và ISO 2240:2003 sẽ được dùng lần lượt cho phim màu âm bản, phim đen trắng âm bản và phim màu đảo ngược. Chỉ số ISO càng nhỏ thì độ nhạy sáng của phim càng thấp nhưng tấm ảnh bạn thu được sẽ đỡ bị nhiễu và thể hiện được nhiều chi tiết hơn.
Bảng giá trị tương phản động của Canon 1D Mark II khi tăng dần ISO. ISO dao động trong khoảng 50 - 400 thường cho ra những bức ảnh có độ tương phản lý tưởng ứng với khả năng thể hiện dải màu tốt nhất của cảm biến. Ảnh: Wiki. |
Trong các thiết bị máy ảnh kỹ thuật số, ISO dùng để chỉ độ nhạy sáng của cảm biến hình ảnh (hay còn gọi là cảm quang). Tương tự nguyên tắc áp dụng cho phim ảnh, thiết lập ISO càng thấp thì cảm biến càng kém nhạy với ánh sáng môi trường, tức là bức ảnh xuất ra sẽ càng tối nếu đặt cùng một tốc độ màn trập. Bù lại, bức ảnh này sẽ mịn hạt và ít xuất hiện những chi tiết giả số. Sự phát triển của kỹ thuật sản xuất linh kiện điện tử và các thuật toán xử lý dữ liệu đi kèm đã giúp nâng độ nhạy sáng ISO trên máy ảnh lên tới con số 102.400 (Nikon D3s, Canon 1D Mark IV), gấp 32 lần độ nhạy sáng cao nhất của phim ảnh (Kodak T-Max 3.200). Lưu ý rằng, giá trị ISO cũng ảnh hưởng đến độ tương phản động trên ảnh. ISO dao động trong khoảng 50 - 400 thường cho ra những bức ảnh có độ tương phản lý tưởng ứng với khả năng thể hiện dải màu tốt nhất của cảm biến.
Thông số phơi sáng (tính bằng giây) và nhạy sáng (tính bằng ISO) luôn là hai vấn đề gây nhiều phiền nhiễu nhất đối với người cầm máy, đặc biệt là những người mới bắt đầu. Phần lớn máy ảnh kỹ thuật số trên thị trường hiện nay đều hỗ trợ khá nhiều giá trị ISO, trong đó phổ biến nhất là dải ISO từ 100 đến 800. ISO càng cao, cảm biến càng nhạy với ánh sáng. Do đó, thời gian mở cửa trập sẽ càng nhanh, giúp bắt được chuyển động nhanh hoặc tránh nhòe ảnh do sự lung lắc của thân máy ảnh kỹ thuật số. Một số kỹ thuật nhiếp ảnh đặc biệt như chụp chậm, phơi đêm và đồng bộ chậm flash lại yêu cầu thời gian mở cửa trập khá lâu (1/20 cho đến hàng chục giây). Để đảm bảo bức ảnh không bị thừa sáng quá mức, bắt buộc bạn phải hạ thấp giá trị ISO và/hoặc khép sâu khẩu độ F-stop.
Những tình huống chụp khác nhau đòi hỏi người chụp linh hoạt trong việc điều chỉnh các thông số, đặc biệt là giá trị nhạy sáng ISO. Ảnh: Nguyễn Tiến Hòa |
ISO 100 thường được coi là giá trị nhạy sáng mặc định (normal) để giúp bạn có được một bức ảnh chuẩn nhất với một lượng không đáng kể nhiễu hạt.
Khi thiết lập ISO, luôn phải đặt ra bốn câu hỏi trong đầu:
1. Ánh sáng - đối tượng đã đủ sáng chưa?
1. Ánh sáng - đối tượng đã đủ sáng chưa?
2. Nhiễu - bạn muốn một bức ảnh không có nhiễu hay hơi nhiễu một chút để tăng tính nghệ thuật?
3. Chân máy - có cần sử dụng chân máy hay không?
4. Đối tượng chuyển động - đối tượng của bạn đang chuyển động hay đứng yên?
Với những tình huống chụp ngoài trời và chân dung đủ sáng, thông thường, nên đặt ISO 100 hoặc 200. Nếu thời điểm chụp là lúc trời âm u sắp mưa hoặc sáng sớm mà bạn lại không có chân máy, hãy đẩy ISO lên cao một chút (khoảng 400 đến 800). Một số tình huống bắt buộc phải thiết lập giá trị nhạy sáng ISO ở mức cao nhất có thể như nhiếp ảnh thể thao trong nhà, rạp hát, nhà thờ, phòng trưng bày nghệ thuật, những nơi không cho phép sử dụng đèn flash hoặc flash không có tác dụng rõ rệt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét