9.11.11

Kỹ thuật chụp máy ảnh kỹ thuật số: Chụp chân dung

Kỹ thuật chụp máy ảnh kỹ thuật số: Chụp chân dung



Chụp ảnh phong cảnh hoặc đồ vật với máy ảnh kỹ thuật số dù sao cũng vẫn là hình thức chụp dễ dàng bởi các đối tượng này không chuyển động, vì thế bạn có thể có thời gian tinh chỉnh tùy ý. Nhưng khi chụp sang người, vấn đề trở nên phức tạp hơn một chút. Một số người không quen có máy ảnh cứ chĩa sẽ mất tự nhiên. Vì thế, một bức ảnh chân dung tốt không chỉ đơn thuần đúng nét, đúng sáng mà còn phải mang được cả thần thái, cảm xúc của đối tượng.
Dưới đây là một số kỹ thuật cơ bản để có được một bức chân dung tốt.
Tất cả nằm ở đôi mắt.
Bạn có thể sử dụng cách chụp đặc tả riêng phần mắt cho thể loại ảnh này. Ảnh: Amillionlives.
Bạn có thể sử dụng cách chụp đặc tả riêng phần mắt cho thể loại ảnh này. Ảnh: Amillionlives.

Như ngạn ngữ thường nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Khoa học cũng chứng minh được rằng người xem ảnh luôn có xu hướng bị đôi mắt của đối tượng thu hút. Vì thế, một trong những điều tối quan trọng của một bức chân dung tốt là phải tập trung vào đôi mắt.
Hãy sử dụng chế độ chỉnh tay của máy ảnh kỹ thuật số nếu chế độ tự động lấy nét không lấy được vào mắt. Nếu trong trường hợp ánh sáng yếu, bạn có thể bù thêm chút ánh sáng bằng đèn flash ngoài. Ánh đèn flash còn có thể tạo nên đốm sáng phản xạ ở mắt đối tượng, khiến cho bức ảnh trở nên sống động hơn.
Bạn cũng có thể sử dụng cách chụp đặc tả, chỉ lấy riêng phần mắt. Có thể cho chủ thể của mình che mạng, hoặc zoom sát gần mặt, chỉ lấy đôi mắt. Tùy từng trường hợp và từng gu thẩm mỹ mà có thể thử nhiều cách căn khung khác nhau.
Ánh sáng là yếu tố sống còn.
Ánh sáng nhẹ sẽ che giấu những khuyết điểm nhỏ trên mặt của người được chụp. Ảnh của Nguyễn Đức Trí trong chủ đề Tuổi Thơ Em của Số Hóa.
Ánh sáng nhẹ sẽ che giấu những khuyết điểm nhỏ trên mặt của người được chụp. Ảnh của Nguyễn Đức Trí 

Nhiếp ảnh chính là nghệ thuật của ánh sáng, vì thế trong nhiếp ảnh, ánh sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các kỹ thuật chiếu sáng khác nhau sẽ đem lại các cách nhìn khác nhau, và tùy thuộc vào việc bạn muốn thể hiện gì mà bạn có thể chọn nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo.
Ánh sáng gắt sẽ tạo những vùng sáng tối rõ rệt trên khuôn mặt, trong khi ánh sáng nhẹ có xu hướng làm ảnh hơi phẳng và có thể giấu một số khiếm khuyết nhỏ. Nếu chụp ngoài trời, cố gắng tránh chụp giữa trưa vì ánh sáng rất gắt và lại chiếu từ trên xuống, khó có được một bức chân dung đẹp. Thời gian lý tưởng cho chụp chân dung là buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, khi ánh sáng đã nhẹ và dịu hơn.
Nếu chụp trong phòng, hãy để người đó ngồi gần cửa sổ để cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Cửa sổ cũng đóng vai trò tản sáng khá hiệu quả, vì thế, nếu biết tận dụng, bạn có thể có một lượng áng sáng cân bằng giữa tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
Khi chụp chân dung người, cố gắng đừng để họ quay mặt về phía mặt trời bởi họ sẽ dễ bị nheo mắt do quá chói. Thay vào đó, hãy để ánh sáng chiếu từ phía sau hoặc từ phía bên. Đôi khi với ánh sáng mặt trời chiếu từ sau lưng, một kiểu ảnh silhouette (chỉ lấy hình khối đen của đối tượng) lại có thể trở thành một bức ảnh thú vị.
Sử dụng ống tele.
Nụ cười Tây Bắc của Phạm Anh Tuấn. Ảnh được chụp bằng máy Pentax K20D, ống kính 70mm f/2.4. Ảnh dự thi chủ đề Vẻ đẹp phụ nữ Việt của Số Hóa.
Nụ cười Tây Bắc của Phạm Anh Tuấn. Ảnh được chụp bằng máy Pentax K20D, ống kính 70mm f/2.4. 

Nếu nhân vật của bạn tỏ ra hơi căng thẳng khi bị ống kính chĩa vào, hãy thử đứng từ xa và dùng ống tele. Dùng ống này sẽ tạo được khoảng cách nhất định giữa bạn với đối tượng và phần nào bớt gây căng thẳng cho họ. Tuy nhiên, cũng đừng nên đứng xa quá, nếu không bạn sẽ khó có thể nói chuyện với họ được. Hầu hết các nhiếp ảnh gia thường dùng tiêu cự từ khoảng 85mm tới 105mm cho chụp ảnh chân dung. Tất nhiên, bạn cũng có thể tự mình trải nghiệm các tiêu cự khác nhau với thể loại ảnh này.
Một lợi thế khác của việc sử dụng ống tele là có thể tạo độ sâu trường ảnh tốt hơn. Bạn sẽ dễ dàng có được những bức ảnh rõ nét còn toàn bộ phông hậu cảnh nhòe mờ.
Duy trì trò chuyện.
Ảnh: Photoradar.
Khi khoảnh khắc đến, hãy bấm máy liên tục để có thể bắt được những gì tự nhiên và đặc trưng nhất. Ảnh: Photoradar.
Một cách thức khác có thể khiến cho nhân vật của mình đỡ bị căng thẳng trước ống kính là hãy tích cực trò chuyện về bất cứ thứ gì mà họ tỏ ra quan tâm. Nếu bạn chưa gặp nhân vật của mình bao giờ, hãy tìm hiểu về họ một chút xem sở thích của người đó là gì, từ dó có thể lái các câu chuyện theo hướng đó. Dần dần, họ sẽ bớt được sự ức chế trước ống kính.
Khi họ đã cảm thấy thoải mái, lúc này là lúc bạn có thể nâng máy lên và bắt đầu chụp. Nhưng đừng vội bấm máy, cứ tiếp tục nói chuyện với tay bấm luôn sẵn sàng. Khi khoảnh khắc đến, lúc này mới bấm liên tục để có thể bắt được những gì tự nhiên và đặc trưng nhất của họ.
Nguyễn Hà

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More