Kỹ thuật chụp ảnh máy ảnh số: Chụp ảnh HDR
Đôi khi chụp ảnh xong, bạn mới thấy là ở các vùng sáng hoặc vùng tối trong ảnh của mình thiếu độ chi tiết. Lý do đơn giản vì cảm biến máy ảnh kỹ thuật số chỉ có thể tối ưu hóa hoặc vùng sáng hoặc vùng tối chứ không thể cả hai vùng một lúc. Do đó, một số nhiếp ảnh gia đã áp dụng một kỹ thuật nhằm tăng cường dải tương phản động của ảnh (hay còn gọi là HDR_high dynamic range) để khắc phục hạn chế này của cảm biến.
Ảnh HDR có thể đem lại những hiệu quả cảm xúc nhất định bởi nó thể hiện đầy đủ chi tiết trên toàn dải của một bức ảnh. Hiện nay một số các máy ảnh kỹ thuật số đã được tích hợp chức năng tạo ảnh HDR ngay trên máy, nhưng các chức năng này vẫn còn có những hạn chế nhất định so với các phần mềm chuyên dụng trên máy tính.
Dưới đây là các bước tạo ảnh HDR.
Chụp ảnh với chế độ phơi sáng liền kề (Bracketing).
Chế độ chụp ảnh Bracketing. Ảnh: Cnet. |
Máy ảnh của bạn chắc chắn sẽ có chức năng cho phép bạn chụp bracketing, nghĩa là cùng một khung cảnh, máy sẽ chụp 3 đến 5 ảnh liên tục với các giá trị bù sáng khác nhau. Đây là bước cơ bản đầu tiên bởi lẽ ảnh HDR bản chất chính là những sự kết hợp các bức ảnh phơi sáng khác nhau, trộn các bức ảnh này lại, kết hợp chi tiết ở một vùng trên một ảnh với chi tiết ở vùng khác trên một ảnh khác, từ đó tạo ra một bức ảnh có thể hiển thị chi tiết trên toàn dải.
Chức năng bracketing cho phép chụp được từ 3, 5 đến 7 ảnh liền nhau. Một trong các bức ảnh này sẽ là bức ảnh đúng sáng, trong khi các bức khác sẽ được phân đều về hai phía, hơi quá sáng hoặc hơi thiếu sáng. Nếu không biết chắc về cách đặt chế độ chụp bracketing, bạn có thể tìm hiểu thêm ở sách hướng dẫn sử dụng.
Ảnh chụp với 3 chế độ bù trừ sáng khác nhau. Ảnh: Cnet. |
Khi chụp ảnh để dự định làm ảnh HDR, tốt nhất nên sử dụng chân máy để vừa cố định khuôn hình, vừa chống rung. Bởi lẽ để có thể kết hợp hoàn hảo các độ phơi sáng khác nhau này, các bức ảnh phải có cùng khuôn hình, cùng góc nhìn và cùng từ một vị trí chụp. Bất kỳ sự dịch chuyển nào dù chỉ chút ít của máy ảnh cũng có thể khiến bức ảnh đầu cuối bị mờ.
Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy chọn các cảnh có độ tương phản cao, bởi lẽ với các cảnh kiểu này, chế độ bracketing sẽ chụp được toàn bộ các chi tiết của cả vùng tối và vùng sáng, và bức ảnh kết hợp sẽ thể hiện hoàn hảo tất cả các chi tiết này trong bức đầu cuối.
Xử lý ảnh HDR.
Một bức ảnh đúng sáng chưa qua xử lý. Ảnh: Cnet. |
Khi chụp xong, hãy chuyển bức ảnh vừa chụp vào máy tính. Sau đó, dùng một phần mềm xử lý HDR như Adobe Photoshop CS5 hay Photoshop Elements 8 có chức năng trộn các ảnh này với nhau. Nếu không có sẵn các phần mềm chuyên nghiệp, hãy thử dùng các phần mềm miễn phí từ các hãng thứ ba như Picturenaut.
Phần mềm xử lý ảnh HDR. Ảnh: Cnet. |
Về cơ bản, các phần mềm sẽ hỏi bạn chọn những bức ảnh nào để trộn HDR. Hãy chọn 3, 5 hay 7 tùy lúc chụp bạn chọn chế độ nào.
Một bức ảnh HDR đã được xử lý. Ảnh: Cnet. |
Sau khi lựa chọn xong, hầu hết các chương trình sẽ cho bạn xem trước bức ảnh HDR đầu cuối sẽ như thế nào. Tùy vào kết quả mà bạn có thể tinh chỉnh thêm một số thông số như độ tương phản, độ bão hòa… để có được một bức ảnh ưng ý theo gu thẩm mỹ riêng.
Chọn RAW hay JPEG.
Có thể nhiều người sẽ hỏi với HDR nên chụp định dạng RAW hay JPEG. Nếu không quá cầu kỳ thì thực ra chỉ cần JPEG là đủ. Nhưng nếu quan tâm đến chi tiết thì vẫn cứ nên chụp RAW, chỉ lưu ý một điều là phải xử lý RAW sang JPEG hoặc TIFF trước rồi mới tiến hành trộn ảnh HDR.
Một số nhiếp ảnh gia lại chọn cách chụp ảnh RAW, sau đó họ xử lý một ảnh RAW đó thành 3 ảnh với các độ bù sáng khác nhau (một đủ sáng, một thiếu sáng, một thừa sáng), tương tự như phương pháp chụp bracketing. Mặc dù cũng có thể tạo được HDR, tuy nhiên, các bức ảnh này lại phụ thuộc vào việc ảnh RAW của người chụp có chứa đủ hết các thông tin trên các vùng sáng tối cần thiết hay không. Thực tế cho thấy, để có được một hiệu ứng HDR tốt nhất, bạn vẫn nên tiến hành chụp nhiều bức rồi trộn lại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét